Thành lập Doanh nghiệp? Các loại hình?

Cùng với sự phát triển không ngừng của nên kinh tế dẫn đến hàng ngày có rất nhiều doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam để mở đường cho quá trình khởi nghiệp. Đã bao giờ bạn tự hỏi lý do phải thành lập công ty làm gì? Thành lập doanh nghiệp có gặp rủi ro gì không? hoặc với hình thức kinh doanh như hiện tại có nhất định phải thành lập công ty hay không? Để trả lời cho những thắc mắc này, Công ty Luật Thế Nguyễn và Cộng sự sẽ đưa ra 1 số lý do để giải thích cho câu hỏi vì sao phải thành lập Công ty?
Căn cứ theo pháp luật doanh nghiệp hiện hành thì pháp luật Việt Nam ghi nhận có các loại hình doanh nghiệp tương ứng sau đây
- Doanh nghiệp tư nhân;
- Công ty TNHH 1 TV;
- Công ty TNHH 2 TV;
- Công ty cổ phần;
- Công ty hợp danh;
Như vậy tương ứng với mỗi loại hình sẽ có những ưu và nhược điểm khác nhau, phù hợp với từng quy mô, ngành nghề và kế hoạch kinh doanh khác nhau.
1. Công ty TNHH 2 TV Trở lên.
Căn cứ Điều 46 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp, trong đó:
+ Thành viên có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng thành viên từ 02 đến 50;
+ Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 47 của Luật này;
+ Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại các Điều 51, 52 và 53 của Luật này.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên không được quyền phát hành cổ phần. Trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần. 
- Công ty TNHH 2 TV trở lên được phát hành trái phiếu theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; Việc phát hành trái phiếu riêng lẻ phải tuân thủ quy định tại Điều 128 và Điều 129 của luật này. 
Theo đó, công ty TNHH 2 thành viên có các ưu và nhược điểm sau:
- Ưu điểm:
+ Do có tư cách pháp nhân nên các thành viên công ty chỉ trách nhiệm về các hoạt động của công ty trong phạm vi số vốn góp vào công ty nên ít gây rủi ro cho người góp vốn;
+ Chế độ chuyển nhượng vốn được điều chỉnh chặt chẽ nên nhà đầu tư dễ dàng kiểm soát được việc thay đổi các thành viên, hạn chế sự thâm nhập của người lạ vào công ty.
+ Thời hạn đăng ký lại vốn khi các thành viên chưa góp vốn đủ dài nhất: 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp vốn đủ phần vốn góp. Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và tỷ lệ phần vốn góp của thành viên. 
+ Khi chuyển nhượng vốn, thành viên chuyển vốn phải kê khai thuế và nộp thuế thu nhập cá nhân, trường hợp chuyển nhượng ngang giá góp vốn thì số thuế phải nộp bằng không.
+ Số lượng thành viên công ty trách nhiệm không nhiều và các thành viên thường là người quen biết, tin cậy nhau, nên việc quản lý, điều hành công ty không quá phức tạp.
- Nhược điểm:
+ Chịu sự điều chỉnh chặt chẽ của pháp luật hơn là doanh nghiệp tư nhân hay công ty hợp danh;
+ Việc huy động vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn bị hạn chế do không có quyền phát hành cổ phiếu.
+ Trong một số trường hợp, do việc các thành viên chủ sở hữu công ty chỉ chịu trách nhiệm theo phạm vi số vốn cam kết góp vào doanh nghiệp nên khiến cho nhiều đối tác và khách hàng không thực sự muốn hợp tác vì sợ rủi ro có thể xảy ra mà họ phải chịu.
2. Công ty TNHH 1 TV
Căn cứ Điều 74 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty); chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được quyền phát hành cổ phần. Trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty Cổ phần.
- Công ty TNHH 1 Thành viên được phát hành trái phiếu theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; việc phát hành trái phiếu riêng lẻ theo quy định tại Điều 128 và Điều 129 của Luật này. 
Theo đó, công ty TNHH 1 TV có các ưu và nhược điểm sau:
- Ưu điểm:
+ Cơ cấu tổ chức công ty đơn giản nhất trong các loại hình doanh nghiệp;
+ Do có tư cách pháp nhân nên các thành viên công ty chỉ trách nhiệm về các hoạt động của công ty trong phạm vi số vốn góp vào công ty nên ít gây rủi ro cho chủ sở hữu;
+ Chủ sở hữu công ty có toàn quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến hoạt động của công ty;
+ Chính chủ sở hữu là người phụ trách kế toán của doanh nghiệp mà không cần thuê người khác.
- Nhược điểm:
+ Việc huy động vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn bị hạn chế do chỉ có một thành viên và không có quyền phát hành cổ phiếu.
+ Lương của chủ sở hữu không được tính vào chi phí của doanh nghiệp.
3. Công ty Cổ phần
Căn cứ điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
- Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:
+ Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
+ Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
+ Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
+ Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này.
- Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu, và các loại chứng khoán khác của công ty. 
Theo đó, công ty cổ phần có các ưu và nhược điểm sau:
- Ưu điểm:
+ Cơ cấu vốn của công ty cổ phần hết sức linh hoạt tạo điều kiện nhiều người cùng góp vốn vào công ty;
+ Chế độ trách nhiệm của công ty cổ phần là trách nhiệm hữu hạn, các cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi vốn góp nên mức độ rủi do của các cổ đông không cao;
+ Khả năng huy động vốn của công ty cổ phần rất cao thông qua việc phát hành cổ phần chào bán hoặc cổ phiếu ra công chúng, đây là đặc điểm riêng của công ty cổ phần;
+ Việc chuyển nhượng vốn trong công ty cổ phần là tương đối dễ dàng, không cần thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông với cơ quan nhà nước, do vậy phạm vi đối tượng được tham gia công ty cổ phần là rất rộng, ngay cả các cán bộ công chức cũng có quyền mua cổ phiếu của công ty cổ phần.
- Nhược điểm:
+ Việc thành lập và quản lý công ty cổ phần cũng phức tạp hơn các loại hình công ty khác do bị ràng buộc chặt chẽ bởi các quy định của pháp luật, đặc biệt về chế độ tài chính, kế toán.
+ Chỉ những cổ đông sáng lập mới hiển thị thông tin trên hệ thống đăng ký doanh nghiệp quốc gia (nếu có sự chuyển nhượng cổ đông thì cổ đông sáng lập vẫn còn tên trên đăng ký kinh doanh, không bị mất đi dù chuyển nhượng hết vốn). Các cổ đông góp vốn chuyển nhượng cho nhau không phải thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, chỉ thực hiện tại nội bộ doanh nghiệp và không được ghi nhận trên hệ thống đăng ký doanh nghiệp của cơ quan quản lý.
+ Đối với công ty cổ phần khi chuyển nhượng cổ đông bị áp thuế thu nhập cá nhân theo chuyển nhượng chứng khoán là 0,1% (dù công ty không có lãi) vẫn bị áp mức thuế thu nhập cá nhân này.
+ Việc quản lý và điều hành công ty cổ phần rất phức tạp do số lượng các cổ đông có thể rất lớn, có nhiều người không hề quen biết nhau và thậm chí có thể có sự phân hóa thành các nhóm cổ động đối kháng nhau về lợi ích;
4. Công ty Hợp danh
Căn cứ điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
- Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó:
+ Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn;
+ Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
+ Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
- Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
Theo đó, công ty hợp danh có các ưu và nhược điểm sau:
- Ưu điểm:
+ Việc điều hành quản lý công ty không quá phức tạp do số lượng các thành viên ít và là những người có uy tín, tuyệt đối tin tưởng nhau.
+ Kết hợp được uy tín cá nhân của nhiều người. Do chế độ liên đới chịu trách nhiệm vô hạn của các thành viên hợp danh mà công ty hợp danh dễ dàng tạo được sự tin cậy của các bạn hàng, đối tác kinh doanh.
- Nhược điểm:
+ Thành viên góp vốn không có quyền quản lý doanh nghiệp nên có nhiều hạn chế đối với thành viên góp vốn.
+ Mức độ rủi ro của các thành viên hợp danh là rất cao.
5. Doanh nghiệp tư nhân
Căn cứ điều 188 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định:
- Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
- Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh.
- Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
Theo đấy doanh nghiệp tư nhân có các ưu và nhược điểm sau đây:
- Ưu điểm:
+ Doanh nghiệp tư nhân ít bị chịu sự ràng buộc chặt chẽ bởi pháp luật.
+ Doanh nghiệp tư nhân tạo sự tin tưởng cho đối tác, khách hàng bởi chế độ trách nhiệm vô hạn.
+ Doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn chủ động trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
- Nhược điểm:
+ Do không có tư cách pháp nhân nên mức độ rủi ro của chủ công ty tư nhân cao.
+ Trách nhiệm vô hạn (Doanh nghiệp chịu trách nhiệm về các khoản nợ không những bằng tài sản công ty mà lẫn cả tài sản của chủ doanh nghiệp).
Trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
Căn cứ Điều 26 Luật doanh nghiệp 2020, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp được thực hiện như sau:
+ Người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền thực hiện việc đăng ký doanh nghiệp với Cơ quan đăng ký kinh doanh theo phương thức sau đây: 
- Đăn ký doanh nghiệp trực tiếp tại cơ quan đăng ký kinh doanh;
- Đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính;
- Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
+ Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử là việc người thành lập doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin đện tử tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng thông tin điện tử bao gồm các dữ liệu theo quy định của Luật này và được thể hiện dưới dạng văn bản điện tử. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử có giá trị pháp lý tương đương hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng bản giấy. 
+ Tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử (Căn cứ Khoản 6 Nghị định 130/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành hãng luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số: “Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác”) hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh về đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử. 
+ Tài khoản đăng ký kinh doanh là tài khoản được tạo bởi hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cấp cho cá nhân để thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử. Cá nhân được cấp tài khoản đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đăng ký để được cấp và việc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử. 
+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp đăng ký doanh nghiệp; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sử đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp. Trường hợp từ chối đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người đăng ký doanh nghiệp và nêu rõ lý do. 
Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp: Quy định tại Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22 Luật Doanh nghiệp 2020. 
--------------------------------------------------------------------------
 Trên đây là bài viết liên quan đến vấn đề Tư vấn Thành lập, ưu, nhược điểm trong từng loại hình doanh nghiệp. Nếu có bất kỳ thắc mắc, cần hỗ trợ pháp lý. Vui lòng liên hệ. Công ty Luật TNHH MTV Thế Nguyễn và Cộng sự qua hotline: 0944.471.083 để được TƯ VẤN LUẬT chi tiết.

 91/9 Tổ 72A, khu phố 6A, phường Tân Thới Nhất, Quận 12 , TP. HCM

thehc31law@gmail.com

 0944471083

 11 Phan Văn Hớn, ấp 2, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP. HCM

E1/4A ấp 5, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP. HCM

1000 Huỳnh Tấn Phát, P. Tân Phú, Quận 7, TP.HCM

GPKD Số: 41/02/3600/TP/ĐKHĐ

SỞ TƯ PHÁP THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH CẤP

Copyright @ 2021 Luat The Nguyen. All rights reserved.