Giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc mua bán đất

Do hợp đồng đặt cọc mua đất không soạn kỹ hoặc không hiểu hết quy định của pháp luật nên các bên xảy ra tranh chấp. Nếu biết cách giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc mua đất người dân có thể tự mình giải quyết.


Một số dạng tranh chấp hợp đồng đặt cọc mua đất phổ biến

Nội dung hợp đồng đặt cọc do các bên thỏa thuận với điều kiện không trái luật, đạo đức xã hội. Tuy nhiên, thực tế tranh chấp hợp đồng đặt cọc vẫn xảy ra với một số loại tranh chấp phổ biến như sau:

- Tranh chấp về mức “phạt cọc”

Căn cứ khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015, nếu các bên không có thỏa thuận khác thì mức “phạt cọc” được thực hiện theo quy định như sau:

+ Nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc (thường là tiền đặt cọc) thuộc về bên nhận đặt cọc.

+ Nếu bên nhận đặt cọc từ chối giao kết, thực hiện hợp đồng thì nghĩa vụ trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc.

Khi các bên có thỏa thuận khác về mức phạt cọc như phạt gấp đôi, gấp ba lần tiền đặt cọc thì thực thiện theo thỏa thuận đó.

- Tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của các bên: Là tranh chấp nội dung điều khoản quyền, nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng đặt cọc.

- Tranh chấp về cam kết của các bên: Khi đặt cọc thông thường người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở cam kết tính pháp lý của quyền sử dụng đất, nhà ở như đã được cấp Giấy chứng nhận (Sổ hồng, Sổ đỏ), nhà đất không có tranh chấp, nhà đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án, nhà đất không có thế chấp, đất còn thời hạn sử dụng. Nếu không đúng như những gì cam kết có thể xảy ra tranh chấp.

- Tranh chấp khác liên quan đến nhà đất như diện tích không đúng,…

3 phương thức giải quyết tranh chấp

Cách 1: Thương lượng

Thương lượng là phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc thông qua việc các bên tranh chấp cùng nhau bàn bạc, tự dàn xếp, tháo gỡ những bất đồng phát sinh. Đây là cách giải quyết tranh chấp đơn giản nhưng có điểm hạn chế là hiệu quả không cao.

Cách 2: Hòa giải

Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc với sự tham gia của bên thứ ba làm trung gian hòa giải để hỗ trợ, giải thích, thuyết phục các bên tìm kiếm các giải pháp nhằm loại trừ tranh chấp. Bên thứ ba có thể là người am hiểu pháp luật, có uy tín hoặc thông qua hòa giải viên cơ sở.

Tương tự như thương lượng, hòa giải trong nhiều trường hợp không đạt hiệu quả cao.

Cách 3: Khởi kiện tại Tòa án

Khởi kiện là phương thức giải quyết tranh chấp theo thủ tục tố tụng dân sự thông qua Tòa án; đây là phương thức giải quyết được hầu hết các bên lựa chọn khi xảy ra tranh chấp, kết quả giải quyết được bảo đảm thi hành bởi Nhà nước (cơ quan thi hành án dân sự) nhưng thời gian giải quyết lâu hơn và phải nộp tạm ứng án phí, án phí.

Khởi kiện tranh chấp hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhà ở được tiến hành theo thủ tục như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện

Khoản 2 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định người khởi kiện chuẩn bị 01 bộ hồ sơ khởi kiện, gồm:

- Đơn khởi kiện theo mẫu.

- Danh mục tài liệu, chứng cứ (không bắt buộc phải nộp hết tài liệu mà chỉ cần nộp tài liệu chứng minh cho yêu cầu khởi kiện).

- Bản sao giấy tờ của người khởi kiện: Hộ khẩu, căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng.

Bước 2: Nộp hồ sơ khởi kiện

- Nộp đơn khởi kiện tại tòa án nào?

Lưu ý: Nơi nộp đơn khởi kiện dưới đây áp dụng khi các bên tranh chấp hợp đồng đặt cọc là cá nhân.

Căn cứ khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, người khởi kiện nộp đơn tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc (Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương).

- Hình thức nộp đơn khởi kiện:

Người khởi kiện nộp đơn theo một trong các hình thức sau:

+ Nộp trực tiếp tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền như trên (thực tế chủ yếu nộp theo cách này).

+ Gửi đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo đường bưu điện.

+ Gửi thông qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án.

Bước 3: Tòa nhận đơn, xử lý đơn, thụ lý đơn

Bước 4: Chuẩn bị xét xử và xét xử

Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án tranh chấp hợp đồng đặt cọc không quá 04 tháng, vụ việc phức tạp được gia hạn không quá 02 tháng (tổng thời gian không quá 06 tháng); khi hết thời hạn trên Tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử nếu không thuộc trường hợp tạm đình chỉ hoặc đình chỉ.

Sau khi có bản án sơ thẩm, trong thời hạn 15 ngày các bên tranh chấp có quyền kháng cáo nếu có căn cứ theo quy định, nếu không bản án sẽ có hiệu lực.

Trên đây là cách giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc mua đất; có thể thấy phương thức khởi kiện dân sự là phương thức có hiệu quả nhất nhưng mất nhiều thời gian (thường sẽ dao động từ 04 - 08 tháng), chính vì vậy trước khi tiến hành đặt cọc các bên phải hiểu quy định về đặt cọc và soạn hợp đồng đặt chẽ để hạn chế tối đa khả năng xảy ra tranh chấp.

Nếu bạn đọc có vướng mắc vui lòng liên hệ với Luật Thế Nguyễn qua hotline 0944471083  để được hỗ trợ nhanh nhất.



Đặt câu hỏi với luật sư

 91/9 Tổ 72A, khu phố 6A, phường Tân Thới Nhất, Quận 12 , TP. HCM

thehc31law@gmail.com

 0944471083

 11 Phan Văn Hớn, ấp 2, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP. HCM

E1/4A ấp 5, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP. HCM

1000 Huỳnh Tấn Phát, P. Tân Phú, Quận 7, TP.HCM

GPKD Số: 41/02/3600/TP/ĐKHĐ

SỞ TƯ PHÁP THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH CẤP

Copyright @ 2021 Luat The Nguyen. All rights reserved.